Buổi Kết nối và phát triển do FVG Travel tổ chức đã cho thấy nhiều tiềm năng để đưa Đông Giang trở thành điểm du lịch triển vọng mang tính biểu tượng của tỉnh Quảng Nam. Tại đây khách cũng được người đồng bào Cơ tu giới thiệu nhiều loại nông sản, trong đó có ớt đỏ A Riêu đặc hữu.
A Riêu trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là chim chào mào đỏ. Giống ớt A Riêu có từ lâu và được người dân A Riêu canh tác chủ yếu dựa trên sự phân phối hạt giống của loài chim này. Theo anh Bríu-Chơn - nông dân Đông Giang, chim chào mào đỏ ở đây ăn ớt, chúng rải phân khắp đồng ruộng, hạt giống theo phân chim ngấm vào đất. Sau khi vụ nông kết thúc, người đồng bào đốt rẫy, nguồn tro này trở thành dinh dưỡng giúp hạt ớt A Riêu nảy mầm. Do nảy mầm trên đất tro và nhiệt độ lớn nên ớt A Riêu khó có thể trồng trên đất khác. Vì vậy, Đông Giang có 10 xã thì chỉ có xã Mà Cooih và Ka Dăng có thể canh tác loại ớt này.
Chỉ có xã Mà Cooih và Ka Dăng có thể canh tác loại ớt A Riêu này. |
Ớt A Riêu nhỏ, chưa bằng một nửa đốt ngón tay nhưng có vị cay nồng, thơm và nóng. Người đồng bào ở đây cho biết ớt A Riêu là loại ớt cay nhất Quảng Nam, cộng thêm tính chất khó trồng nên có thể nói A Riêu là loại ớt lẫn nông sản đặc hữu.
Tại sự kiện, anh Bríu-Chơn giới thiệu đến doanh nghiệp và du khách các sản phẩm liên quan đến ớt A Riêu như bột ớt, ớt ngâm muối làm các món Zơ rá - đặc sản của người Cơ tu thơm ngon. Bên cạnh ớt A Riêu, còn có một số sản phẩm nông sản khác mang tính thương mại triển vọng như cơm lam gà nướng, xôi lúa nếp than, đồ dệt thổ cẩm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia người Cơ Tu…
Đối với người Cơ Tu, đây đều là đặc sản mang nét văn hóa truyền thống lâu đời, gắn với đời sống nông canh trên nương rẫy lẫn sau bếp lửa bập bùng của gia đình. Đơn vị đã khéo léo lồng các yếu tố văn hóa và sinh hoạt ấm cúng này vào khu du lịch nhằm phát triển song song giữa sinh thái và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Anh Bríu-Chơn - người đồng bào Cơ tu. |
Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang xây dựng và phát triển theo 4 tiêu chí nội cốt lõi: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng. Để có thể phát triển bền vững, đơn vị đã chú trọng đầu tư vào từng thôn bản, nhằm nâng cao đời sống của người dân bản địa đồng thời giúp hệ sinh thái du lịch phát triển đa dạng. Điển hình nhất là thông qua tiêu thụ nông sản của người dân và sử dụng lao động sẵn có.
Bà Võ Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn FVG Travel cho biết, khu du lịch Cổng trời Đông Giang có 70% lao động là người bản địa. “Ngoài tiêu thụ nông sản cho bà con, chúng tôi còn chú trọng tuyển dụng các thanh niên ở đây để tập trung đào tạo cả về nghiệp vụ du lịch lẫn ngoại ngữ để các bạn có thể giao tiếp với khách nước ngoài. Đồng thời, chúng tôi còn đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa lẫn đời sống người dân nơi đây, bởi chỉ có người Cơ Tu mới kể được chân thực nhất câu chuyện ngàn đời của chính họ. Điều này rất thú vị, có tính thu hút bởi văn hóa luôn là đề tài hấp dẫn với du khách, chúng tôi cũng sẽ khai thác các tour du lịch thăm bản để họ có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm một ngày cùng người dân”, bà Võ Ngọc Anh cho biết.
Bà Võ Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn FVG Travel. |
Anh Bríu-Chơn chia sẻ, kinh tế của người dân bản địa đã thay đổi rất nhiều kể từ khi khu du lịch Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động năm 2022. Bà con có điều kiện, cuộc sống cũng ấm no, sung túc.
“Nông sản có nguồn tiêu thụ thường xuyên đã giúp bà con canh tác quanh năm, có nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, vật chất làm thôn bản cũng được đầu tư hiện đại, tiện nghi hơn. Việc tuyển dụng cũng góp phần giúp thanh niên người Cơ tu có cơ hội được tiếp xúc với công việc tri thức cao, điều này rất quan trọng bởi sau này người dân bản có thể nâng cao năng lực chuyên môn liên quan đến du lịch, cũng như khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ khác”, anh Bríu-Chơn cho hay.
Hiện tại, đơn vị có kế hoạch khai thác lâu dài, đưa Cổng trời Đông Giang trở thành điểm đến nổi bật tại tỉnh Quảng Nam với nhiều hành trình thú vị, điển hình như tour du lịch thăm Lâm Cung Thánh Mẫu, động Ngọc Hoàng…