Giải mã bài toán tối ưu chi phí vận hành, ngành khách sạn tìm hướng đi bền vững

Chiều 18/3, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, Liên chi Hội Khách sạn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Tối ưu chi phí vận hành trong khách sạn.
ks-cao-thi-ngoc-lan-1742356937.jpg
Bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam tham dự hội thảo.

Hội thảo do Liên chi hội Khách sạn Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Thực phẩm, đồ uống và dịch vụ lưu trú.  Dự hội thảo có bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bà Đỗ Hồng Xoan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Khách sạn Việt Nam, các thành viên Liên chi Hội Khách sạn Việt Nam, các nhà quản lý khách sạn, đại diện các khách sạn trên cả nước, giảng viên các khoa du lịch của các trường đại học, các đơn vị truyền thông, báo chí,..và các khách tham dự triển lãm quan tâm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đỗ Hồng Xoan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Khách sạn Việt Nam cho biết, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều biện pháp kích cầu du lịch như miễn visa cho một số thị trường, tăng thời gian lưu trú nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, ngành du lịch nói chung và ngành khách sạn nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu tăng cao, lương nhân viên tăng. “Việc tối ưu chi phí vận hành trong khách sạn vô cùng quan trọng, bởi thuận lợi có đấy nhưng khó khăn thậm chí còn lớn hơn. Hội thảo hôm nay là cơ hội để các chuyên gia, những người làm trong ngành khách sạn chia sẻ kinh nghiệm để cung nhau vượt qua khó khăn, nâng cao thu nhập cho cán bộ nhân viên, phát triển du lịch Việt Nam bền vững, để Việt Nam là điểm đến thu hút, an toàn ”, bà Xoan nói.

ks-do-hong-xoan-1742356936.jpg
Bà Đỗ Hồng Xoan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Liên chi Hội Khách sạn Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

TS. Trần Huy Đức, Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, chi phí kinh doanh khách sạn được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau, giúp các nhà quản lý có thể hiểu rõ dòng tiền của mình đang được phân bổ như thế nào. Trong đó, có các loại như chi phí cố định, chi phí biến đổi, chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp, chi phí cơ hội, chi phí phòng ngừa, chi phí chất lượng, chi phí kiểm soát được và chi phí không kiểm soát được 

TS. Trần Huy Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc so sánh chi phí thực tế với chi phí theo kế hoạch để kịp thời phát hiện các khoản chi vượt mức và tìm ra nguyên nhân. Việc phân loại chi phí một cách khoa học giúp các khách sạn xác định được những khoản chi có thể kiểm soát được, đặc biệt là chi phí nhân công.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Thái - Đại diện Chủ đầu tư Khách sạn Pullman Hải Phòng đánh giá ngành khách sạn Việt Nam đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu chi phí hoạt động sâu sắc, chịu tác động đa chiều từ các yếu tố kinh tế, xã hội và công nghệ. Sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 với dự kiến 23 triệu lượt khách vào năm 2025, tăng trưởng ấn tượng so với các năm trước, đi kèm với những thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu chi phí.

Một trong những yếu tố then chốt là sự gia tăng chi phí nhân sự do thiếu hụt lao động có tay nghề và yêu cầu về mức đãi ngộ cạnh tranh. Để ứng phó, các doanh nghiệp đang hướng tới mô hình thuê ngoài và sử dụng lao động thời vụ linh hoạt.

ks-dai-bieu-toa-dam-1742356937.jpg
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tối ưu chi phí vận hành khách sạn.

Bên cạnh đó, chi phí năng lượng và vận hành leo thang cũng thúc đẩy các khách sạn tìm kiếm giải pháp tiết kiệm và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Biến động chi phí marketing và kênh phân phối, đặc biệt là sự phụ thuộc vào các nền tảng OTA, đang được các khách sạn giải quyết bằng cách đẩy mạnh kênh trực tiếp và chương trình khách hàng thân thiết.

Theo ông Thái, chi phí công nghệ đang có sự chuyển dịch rõ rệt khi các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào PMS, CRM, AI và tự động hóa để tối ưu hóa vận hành và giảm chi phí nhân sự. Xu hướng điều chỉnh dịch vụ và tiện ích, cắt giảm những yếu tố không thiết yếu cũng đang diễn ra.

Sự dịch chuyển cơ cấu chi phí được đánh giá là xu hướng tất yếu, đòi hỏi các khách sạn phải chủ động thích ứng bằng cách đầu tư vào công nghệ, xây dựng đội ngũ nhân sự linh hoạt và tối ưu hóa quy trình để duy trì lợi nhuận và phát triển bền vững, ông Thái nhận định.

Cũng tại buổi hội thảo, đã có phiên tọa đàm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, các giải pháp tối ưu trong vận hành khách sạn với sự tham gia thảo luận của bà Nguyễn Thị Thúy Minh - Giám đốc nhân sự The Ascott Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Tổng giám đốc Khách sạn Silkpath Hà Nội, ông Lê Minh Thái - Đại diện Chủ đầu tư Khách sạn Pullman Hải Phòng và bà Đặng Linh - Cluster EAM, Novotel Suite Hanoi & Novotel Hanoi Thái Hà.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy chia sẻ, có nhiều vị trí tuyển dụng lương cao nhưng không đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc thì cần phải chính sách đào tạo lại. Để tối ưu hóa chi phí vận hành, các đơn vị cần sử dụng các thiết bị cảm ứng để kiểm soát việc tiêu hao điện và nước.

Bà Đặng Linh cho biết, hiện đơn vị đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong đó có cả việc kiểm soát lượng rác thải. “Về việc tuyển dụng nhân sự, người có thái độ quan trọng hơn trình độ và tuyển người phù hợp để có chi phí chi trả hợp lý. Trong lĩnh vực dịch vụ, thái độ làm việc, ứng xử của nhân viên luôn được đề cao”, bà Linh nói.

Duy Tân