Sự kiện ý nghĩa này được UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại Làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai (xã Nhơn Phú-huyện Mang Thít), nhắm đánh dấu di sản đương đại có tuổi đời trăm năm được bảo tồn và tôn vinh giá trị làng nghề.
Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự đêm khai mạc. Ảnh: THL |
Đến tham dự lễ khai mạc có đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh- nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Quyền Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Vĩnh Long có đồng chí Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long; Đồng chí Nguyễn Thành Thế - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đồng chí Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, lãnh đạo các địa phương; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, cùng đông đảo người dân, du khách trong, ngoài tỉnh cùng tham dự.
Toàn cảnh buổi Lễ khai mạc Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024. Ảnh: NT |
Lễ khai mạc mở màn với tiết mục “Hào khí đất phương Nam” tái hiện khung cảnh sinh động về những giai đoạn lịch sử của vùng đất phương Nam, tô điểm những dấu ấn văn hóa lịch sử lâu đời của vùng đất Vĩnh Long địa linh nhân kiệt cùng với niềm tin và khát vọng hướng đến cuộc sống xanh, bền vững.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định: "Festival Gạch Gốm đỏ- Kinh tế Xanh tại Vĩnh Long có ý nghĩa vô cùng to lớn, là một bước đi tiên phong, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự đổi mới sáng tạo của địa phương".
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ, trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành thách thức toàn cầu, việc phát triển kinh tế bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tại Vĩnh Long có ý nghĩa vô cùng to lớn và là một bước đi tiên phong, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự đổi mới sáng tạo của địa phương. Sự kiện này không chỉ thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống, mà còn tôn vinh giá trị truyền thống, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, văn hoá bản sắc độc đáo của vùng đất Vĩnh Long anh hùng, quyết tâm chuyển mình, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của ĐBSCL và cả nước.
Đồng chí Hồ Đức Phớc - Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại đêm khai mạc. Ảnh: NT |
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đặt ra kỳ vọng trong tương lai: “Thời gian tới, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn sẽ vươn xa ra thế giới. Những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời nơi đây không những tạo ra những sản phẩm quý hiếm, có giá trị, mang bản sắc vùng ĐBSCL, là đặc trưng văn hóa của vùng chúng ta mà còn là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch muôn phương đến với ĐBSCL”.
Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu khai mạc Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024. Ảnh: NT |
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm, nhấn mạnh với kỳ vọng đưa làng nghề truyền thống gạch gốm của địa phương trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Bộ VH-TT-DL, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 quy mô cấp khu vực ĐBSCL cùng với sự tham gia của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Bắc.
Đây cũng chính là dịp các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long công bố đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Với chủ trương xây dựng một nơi bảo tồn và phát triển "vương quốc" lò gạch truyền thống dọc theo con sông Cổ Chiên. Gốm Mang Thít trở thành di sản văn hóa độc đáo của làng nghề gạch, gốm đỏ với lịch sử trăm năm.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhận định: Festival là sự kiện quan trọng của tỉnh Vĩnh Long được chuẩn bị chu đáo. “Đây là bước đệm quan trọng giữa tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cùng một số tỉnh, thành phố cả nước tham gia triển lãm, giới thiệu, quảng bá những thành tựu và tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực. Sự kiện festival góp phần rất lớn vào việc phát triển loại hình du lịch sinh thái của tỉnh, từ đó kêu gọi đầu tư khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đường sông Vĩnh Long đang còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.Đồng thời, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” - bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nói.
Bên cạnh đêm khai mạc được đầu tư chỉn chu, chương trình còn có nhiều hoạt động nổi bật như Khu hội chợ, triển lãm công thương, nông nghiệp, du lịch với quy mô 700-800 gian hàng, nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo, hội thi. Thêm vào đó lễ hội còn có điểm nhấn về không gian trưng bày và trải nghiệm sản xuất gạch, gốm, văn hóa đặc trưng “Đất và người Vĩnh Long”; tái hiện trên bến dưới thuyền; xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hủ ky và dùng kèm tàu hủ ky đầu tiên tại Việt Nam; thi đấu đua ghe tam bản; trình diễn múa rối nước, diều led…