Chủ nhật 24/11/2024 02:58
Email: Travelnews.vn@gmail.com
Hotline: 0962925888 - 0974029482

Quảng Trị - Từ "mảnh đất thép" đến cầu nối Vì hòa bình

Di sản văn hóa
Từ nơi được xem là “chiến địa”, “trấn biên” và ba lần được chọn làm thủ phủ của đất nước trong lịch sử, Quảng Trị đã thành đất thiêng đã nở đóa hoa hòa bình.
aa

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của miền Trung, sự khắc nghiệt của thời tiết, những trận gió Lào khô nóng hay những ngày mưa bão trắng trời đã tôi luyện tôi trở thành một người mạnh mẽ, biết cách che giấu và kiềm chế cảm xúc. Thế nhưng, cuộc nói chuyện với một nhà báo lớn tuổi về những câu chuyện gắn với "mảnh đất thép" Quảng Trị khiến tôi không khỏi xúc động. Theo từng lời kể, hình ảnh một Quảng Trị anh hùng, kiên cường trong những ngày tháng kháng chiến, chìm trong bom đạn dần hiện lên, dội về tâm trí tôi những xúc cảm khó tả.

Đó là câu chuyện về đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, chứng nhân cho khát vọng thống nhất của quân và dân ta. Nơi đây đã từng chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Quảng Trị - Từ

Đặc biệt, khi nhắc về “làng hầm” Vĩnh Linh, giọng người nhà báo ấy nghẹn lại. Hàng chục năm làm báo, đi khắp nơi để đưa tin về những mảnh đất anh hùng nhưng Vĩnh Linh trong trái tim vị nhà báo vẫn có điều gì đó khó tả. Đó là sự mất mát mà không có ngôn từ hay hình ảnh nào để thể hiện được. "làng hầm" Vĩnh Linh, địa đạo Vĩnh Mốc dài hàng nghìn mét, gắn với cuộc kháng chiến mấy nghìn ngày đêm của bà con nơi đây. Nhìn những hầm hào ngoằn ngoèo trong lòng đất mới thấy hết sự kiên cường, ý chí chiến thắng, khát khao độc lập của thế hệ đi trước.

Đó là câu chuyện về Thành cổ Quảng Trị, bến sông Thạch Hãn - "chứng nhân lịch sử" cho bản tráng ca hào hùng 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường. Dưới mưa bom bão đạn khốc liệt, quân và dân ta vẫn cố gắng bám trụ, giành giật với địch từng mét chiến hào.

Với những dấu mốc này, Quảng Trị nổi tiếng là mảnh đất anh hùng, đất thép, đất lửa. Thế nhưng, xếp lại quá khứ đau thương ấy, ngày nay, Quảng Trị đã trở thành cầu nối hòa bình. Tháng 7/2024, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) và Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024. Từ một nơi được xem là “chiến địa”, “trấn biên”, “phên dậu” của đất nước trong lịch sử, Quảng Trị trở thành “đất thiêng đã nở đóa hoa hòa bình”, hồi sinh và vươn mình lớn dậy, khởi sắc trên tro tàn đổ nát.

Quảng Trị - Từ

Lễ hội Vì Hòa bình tại Quảng Trị là nơi của những nhịp cầu kết nối, điểm chạm sâu thẳm trong lòng người. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một lễ hội với quy mô quốc gia và quốc tế mang thông điệp hòa bình. Lễ hội là dịp để tôn vinh giá trị của hòa bình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu chuộng hòa bình.

Trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình 2024 tại Quảng Trị diễn ra nhiều sự kiện giải trí, văn hoá, nghệ thuật… hấp dẫn như Ngày hội đạp xe Vì Hòa bình; Chương trình nghệ thuật đặc biệt khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình với chủ đề “Kết nối những nhịp cầu”; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng”; Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình”; Chương trình “Ước nguyện hòa bình”; Triển lãm Tranh Lê Bá Đảng; Triển lãm Bộ tranh “Hồi sinh”; Chương trình Nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 – Khát vọng Hòa bình”...

Từ vùng đất lửa, đất thép, Quảng Trị một lần nữa bừng sáng, để lại dấu ấn lớn trong lòng du khách. Những tiết mục nghệ thuật hào hùng thể hiện niềm tự hào dân tộc, màn bắn pháo hoa rực rỡ trên nền nhạc của các ca khúc “Chúng em cần hòa bình”, “Trái đất này là của chúng mình”, “Nối vòng tay lớn”… đều khiến người xem xúc động bởi thông điệp: Việt Nam yêu chuộng hòa bình, Quảng Trị là điểm đến vì hòa bình.

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà hàng vạn người dân Quảng Trị và du khách khi chứng kiến gần 1.000 drone xếp thành những hình ảnh đầy ý nghĩa bên bờ sông Hiền Lương, đều rưng rưng. Lòng tôi cũng lại dâng lên muôn vàn cảm xúc. Đã qua rồi những ngày tháng tăm tối, Quảng Trị giờ đây đang từng bước “thay da, đổi thịt”, không ngừng đi lên.

Quảng Trị - Từ

Trên bầu trời từng xám ngắt bởi mưa bom bão đạn ấy ngày nay đã được thay màu, rực rỡ, lấp lánh với chiếc Chuông Hòa Bình thể hiện sự gắn kết mọi người, không phân biệt dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, tầng lớp, giai cấp… Tất cả hướng tới mục tiêu vì hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc. Đặc biệt nhất phải kể đến hình ảnh chim bồ câu ngậm bông lúa tung cánh - loài chim tượng trưng cho hòa bình. Hình ảnh này thể hiện khát vọng hòa bình, ấm no và hạnh phúc cùng dải lụa đa sắc gồm màu đỏ và vàng tượng trưng cho cờ Tổ quốc; màu đỏ cũng là màu máu của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hòa bình hôm nay; màu xanh là màu của hòa bình, của sự sống hồi sinh và phát triển.

Và rồi từng hình ảnh lần lượt xuất hiện với nhiều màu sắc, ý nghĩa khiến ai nấy hân hoan, phấn khởi. Một trái tim được ghép bằng chữ "Peace" (hòa bình) và "Love" (tình yêu), là biểu tượng logo Quảng Trị và tên chủ đề chương trình "Gắn kết những nhịp cầu - Connecting bridges", là họa tiết trên trống đồng, là Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời… Hàng vạn khán giả không giấu được cảm xúc, niềm tự hào khi chứng kiến giây phút này.

Quảng Trị đã mất bao nhiêu xương máu để đổi lại những ngày tháng bình yên cho mảnh đất Vĩ tuyến 17, cho nước non Việt Nam liền một dải. Chính vì thế, Lễ hội Vì Hòa bình là dịp giúp thế hệ trẻ có thêm nhiều bài học quý, hiểu hơn về cái giá của hòa bình và trách nhiệm phải giữ gìn nó.

* Bài đã đăng trên Tạp chí Vietnam Travel số 45

(Tạp chí Vietnam Travel)
Tin bài khác
Tưng bừng đêm diễn nghệ thuật múa truyền thống Hàn Quốc tại Đại nội Huế

Tưng bừng đêm diễn nghệ thuật múa truyền thống Hàn Quốc tại Đại nội Huế

Các nghệ sĩ Hàn Quốc đến từ Hiệp hội Âm nhạc truyền thống Gyeonggi đã mang đến cho khán giả màn biểu diễn điệu múa truyền thống đầy cảm xúc tại Duyệt Thị Đường, Đại nội Huế.
Điện Thái Hòa diện màu áo "vàng son" rực rỡ sau 3 năm trùng tu

Điện Thái Hòa diện màu áo "vàng son" rực rỡ sau 3 năm trùng tu

Sau 3 năm trùng tu, điện Thái Hòa - công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích cố đô Huế đang ở những bước hoàn thiện cuối để kịp mở cửa đón khách ngày 23/11.
Vĩnh Long nhiều hoạt động nổi bật ở Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh lần I

Vĩnh Long nhiều hoạt động nổi bật ở Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh lần I

Tối 16/11, tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra lễ hội gạch gốm đỏ lần 1 và công bố đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít đến năm 2045.