Tọa lạc tại địa chỉ số 31 Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp, TP. Thừa Thiên Huế, phủ thờ công chúa Ngọc Sơn hay còn biết đến nhà vườn Ngọc Sơn công chúa, là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách đến tham quan nhờ vào lối kiến trúc mang đậm chất Huế xưa. Nằm tại vùng đất Gia Hội xưa - nơi vốn có nhiều phủ đệ của các ông Hoàng, bà Chúa triều Nguyễn, thế nhưng phủ thờ công chúa Ngọc Sơn vẫn tạo ấn tượng đậm sâu trong lòng nhiều người bởi chính những đường nét cổ điển riêng biệt.
| Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn thuộc vùng đất Gia Hội xưa. Ảnh: Xuân Thao | |
Được biết, công chúa Ngọc Sơn - con gái vua Đồng Khánh, nhũ danh là Nguyễn Phúc Hỷ Hỷ (1886 - 1905). Chồng công chúa là Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn - con trai của quan đại thần Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng, song cuộc hôn nhân kéo dài chưa bao lâu thì công chúa qua đời ở độ tuổi 20 sau khi đã hạ sinh một bé gái. Theo nguyện vọng trước lúc mất của công chúa, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn đã kết hôn với quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân - con gái Kiên Quận công Nguyễn Phúc Ưng Quyển.
Đến năm 1921, tức 15 năm sau khi công chúa mất, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn đã cho xây dựng một biệt phủ trên mảnh vườn với diện tích gần 2400m2 để làm nơi thờ tự công chúa Ngọc Sơn. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh sống của gia đình ông cùng với 7 người con. Trải qua hơn 100 năm, tới nay phủ thờ Ngọc Sơn công chúa vẫn được các hậu duệ gìn giữ và bảo tồn gần như nguyên vẹn mặc cho thời thế đổi thay.
| Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn không có cổng tam quan như các phủ thờ khác, lối vào cũng được mở phía sau nhà. Ảnh: Xuân Thao | |
Khi đến phủ thờ, du khách sẽ thấy cổng vào của phủ thờ công Chúa Ngọc Sơn thoạt nhìn khá giản đơn với 2 cột trụ, thay vì là cổng tam quan giống như ở các phủ thờ khác, nhưng trên đỉnh trụ đã được tô điểm thêm bằng tượng đá kỳ lân được chạm khắc rất tinh xảo, nhằm tạo nét chấm phá cho không gian cổ điển nơi đây. Men theo con đường uốn lượn mềm mại với hàng chè trải dọc hai bên, phủ thờ công chúa với tông vàng nâu hiền hòa, cổ kính dần hiện ra trước mắt du khách.
| Mặt chính của phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn hướng về phía Tây, quay lưng ra phía ngoài đường. Ảnh: Xuân Thao | |
Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là một ngôi nhà 3 gian 2 chái mang phong cách đặc trưng của nhà rường Huế với mái lợp ngói liệt, được thêm thắt nhiều họa tiết cầu kỳ theo chủ đề “mây hóa long”. Nếu quan sát từ phía bên ngoài, du khách cũng sẽ dễ dàng bắt gặp một số chi tiết sở hữu nét kiến trúc phương Tây - vốn thịnh hành ở Huế vào những năm đầu thế kỷ XX trên các cột trụ trước hiên, hay qua ô cửa sổ ngôi nhà.
| Những ngọn đèn gương được gắn ở hàng cột hiên là một trong những chi tiết mang đậm nét Châu Âu. Ảnh: Xuân Thao | |
Xét về mặt tổng thể, ngôi nhà được đặt khéo léo trong khuôn viên có sự sắp đặt theo nguyên tắc phong thủy, phía trước là minh đường (hồ sen và bể cạn), tiền án (hòn non bộ), hai bên là tả thanh long và hữu bạch hổ (hai hòn kỳ thạch ở hai bên tiền đường). Bao quanh ngôi nhà là những rặng tre, hàng dừa xanh ngát, ngoài ra trong vườn có trồng nhiều loại cây và chậu hoa kiểng, góp phần tạo nên không gian xanh mát cho du khách.
| Bao quanh phủ thờ là không gian xanh mướt của hàng cây xanh, khiến nơi đây thêm phần hoài cổ và thơ mộng. Ảnh: Xuân Thao | |
Bước vào trong chính đường, du khách sẽ cảm nhận được bầu không khí cổ kính và đầy hoài niệm khi khắp nơi đều được trang hoàng bởi những bức hoành phi, câu đối chạm khắc tinh xảo theo lối cổ xưa, nội thất từ sập, gụ đến bàn ghế, tủ sách,... đều đã nhuốm màu thời gian, nhưng giá trị vẫn giữ nguyên không thay đổi.
| Không gian bên trong gian chính cũng là nơi thờ tự công chúa sẽ mang lại cho du khách cảm giác hoài niệm về những điều xưa cũ. Ảnh: Xuân Thao | | Khắp nơi đều được trang hoàng bởi những bức hoành phi, câu đối chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Xuân Thao. | |
Đập vào mắt du khách vẫn là bàn thờ theo lề lối “Tiền Phật hậu linh” nằm ngay giữa gian nhà. Đằng trước là thờ Phật, đằng sau là thờ các vị gồm ông Nguyễn Hữu Thảng, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn, công chúa Ngọc Sơn, quận chúa và các hậu duệ đã khuất của gia tộc. Dưới sự chăm sóc của các hậu duệ, gần nhất là bà Nguyễn Thị Sương - hậu duệ của ông Nguyễn Hữu Tiễn cùng chồng là nhà sử học, nhà nghiên cứu Phan Thuận An mà nơi đây vẫn giữ được cốt cách trang nghiêm vốn có trong mắt du khách.
| Bàn thờ được đặt theo lề lối “Tiền Phật hậu linh” ngay giữa gian nhà. Ảnh: Xuân Thao | |
Không chỉ vậy, tại đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá như: Sứ ký Trung Hoa, huy chương do triều đình ban tặng cho công chúa Ngọc Sơn và phò mã, bộ tiền xu từ đời vua Minh Mạng, bộ xăm hường bằng xương,... cũng như nhiều sách vở, tư liệu lịch sử quý giá về triều Nguyễn, đưa nơi này trở thành một di sản kiến trúc gia tộc quý hiếm ở nơi cố đô Huế.
|
Ảnh: Xuân Thao |
|
Ảnh: Xuân Thao |
Sau khi đã mải mê chiêm ngưỡng chính đường, du khách có thể đi theo lối hành lang để đến khu nhà phụ - nơi mà xưa kia người ăn kẻ ở trong nhà sinh sống, nhưng nay đã trở thành không gian sinh hoạt của gia đình. Từ đây, du khách sẽ được tiếp cận và hiểu hơn về “nếp nhà” đặc trưng của người dân Thừa Thiên Huế.
Có thể nói rằng, phủ thờ công chúa Ngọc Sơn không chỉ đơn thuần là một ngôi vườn cổ mang lại cảm giác bình yên và hoài niệm cho du khách, mà còn là một địa chỉ văn hóa lý tưởng cho những ai đam mê nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế khi nơi đây chứa đựng giá trị lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Huế nói riêng.