Chủ nhật 24/11/2024 02:35
Email: Travelnews.vn@gmail.com
Hotline: 0962925888 - 0974029482

Hoa văn, con giáp và bộ óc sáng tạo của nghệ nhân 80 tuổi

Triển lãm
“Một lát Đông Sơn” cùng bộ sưu tập con giáp qua các năm chỉ phần nào tham chiếu đến một góc nhỏ sức sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ, nghệ nhân Vũ Dũng.
aa

Ngồi lì một góc tại triển lãm “Tôn cựu nghênh tân” (số 49 Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã 2 giờ liên tiếp họa sĩ Vũ Dũng (1944) vẫn đang miệt mài tô vẽ cho bức phác thảo tiếp theo của mình. Dù đã 80 tuổi, nhưng tay cọ của ông vẫn phóng khoáng, đưa lực tốt, nét vẽ sống động và cách tiếp cận với sự vận động của chủ thể thật tinh tường.

Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Công nghiệp, họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Dũng (1994) có thời gian cống hiến nghệ thuật rất dài và giờ đây, ông trở thành họa sĩ tự do, cố vấn nghệ thuật cho nhiều thương hiệu quà tặng du lịch, quà tặng văn hóa nổi tiếng ở Hà Nội.

Lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa “Tống cựu nghênh tân” (bỏ cũ lấy mới) dịp giao thừa, họa sĩ Vũ Dũng trái lại muốn nhìn về quá khứ, để tôn trọng mọi thứ đã đi qua.

Họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Dũng
Họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Dũng.

“Tôn cựu” tức có nghĩa là tôn trọng, trân trọng những gì xưa cũ, cũng như cách chúng ta luôn tưởng nhớ về một truyền thống văn hóa lâu đời. Đó là điều kiện tiên quyết, cần có nếu muốn giữ gìn nề nếp, bởi chúng ta phải nhớ được truyền thống thì mới hòng lưu giữ được nó, sau đó lại tiếp tục chia lát cắt để giao lưu, tiếp biến sao cho hợp với xu thế của thời đại, tôi cho đó là “nghênh tân””, họa sĩ Vũ Dũng chia sẻ.

Cái xưa cũ của “cựu” được bộc lộ trong sức sáng tạo về hình khối lập thể, cách nhân hóa sự vật lẫn không tuân theo mô-típ chung để cho ra một hình tượng mới là “tân”.

Như các bộ sưu tập “Hí vân long”, “Trâu vàng khởi sinh”, “Hổ Minh Tân - Bình Tân”… đều pha trộn cả yếu tố truyền thống xen lẫn hiện đại, thông qua chất kết dính là trí tưởng tượng của tác giả.

Hình tượng rồng trong “Hí long vân” mang chiếc mào đặc trưng của rồng thời Lý, nhưng thân rồng lại có vảy, móng rồng đạp trên đao lửa của thời Lê. Rồng tọa trên hòn núi, có thủy ba dập dờn bên dưới giống họa tiết trang phục triều Nguyễn. Đồng thời, theo tác giả - nghệ nhân điêu khắc Vũ Dũng, ông xây dựng hình tượng rồng uốn thân tròn khác với hình tượng rồng thường thấy nhằm ngụ ý tốt lành, “chu viên hoàn mãn”, vừa mang yếu tố phong thủy vừa tạo cá tính riêng cho sản phẩm của mình.

Hoa văn, con giáp và bộ óc sáng tạo của nghệ nhân 80 tuổi
Hình tượng rồng biến hóa "Hí long vân".

Còn như “Trâu vàng khởi sinh”, hình tượng trâu lại tròn mẩy, đa sắc màu – đặt cùng nhau trông như đang vầy mình trong đầm nước, thư thả và an nhiên. Hổ lại là nét gì đó mới mẻ hơn hẳn, khi ngoài tạo tác hình ảnh thường thấy, tác giả còn chắp thêm đôi cánh cho linh vật, làm người ta nhớ đến sinh vật Chimera trong thần thoại Hy Lạp hoặc sinh vật Cùng Kỳ với quan niệm người Trung Hoa.

Năm Ất Tỵ, họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Dũng tiếp tục sáng tạo cũng như cố vấn cho các đơn vị nhằm tạo ra hình ảnh một linh vật huyền bí nhưng phải mới mẻ là rắn.

“Hình tượng rắn trong tâm thức của người Việt cũng chỉ có vậy, thân dài, đầu ngổng và nếu có thể thì thêm mang. Nhưng tôi muốn tham chiếu đến nhiều góc độ khác nghệ thuật hơn cho sản phẩm của mình lẫn Khởi Minh gift. Từ đó có rắn cuộn thân, rắn có mào và 9 đuôi (tam đầu cửu vĩ) thuộc Tín ngưỡng thờ Mẫu, rắn cuốn đuốc lửa, rắn vô cực, rắn lột da cách điệu và rắn trên lá sen sinh động… tất cả đều mới mẻ và có tính giao lưu”, họa sĩ 80 tuổi chia sẻ thêm.

Rắn ngâm châu - linh vật Ất Tỵ 2025
Rắn ngậm châu - linh vật Ất Tỵ 2025.

Quả thực như vậy, hình ảnh rắn Ất Tỵ năm nay được ông và đội ngũ thiết kế nghệ thuật của Khởi Minh chú trọng hơn nhiều. Đa dạng về cả mẫu mã lẫn câu chuyện sâu bên trong, nhằm mang đến giá trị thịnh vượng, sang giàu, tiếp tục phủ lên lớp trầm tích văn hóa một màu sắc nữa của nghệ thuật.

Triển lãm “Tôn cựu, nghênh tân” tại biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm hiện đang mở cửa tự do.

(Thời báo Văn học Nghệ thuật)

Bài liên quan